Đào, quất bị vứt chỏng chơ ra đường sau Tết

     

 

 

La liệt rác đào quất ngoài phố

Từ khoảng mùng 5 Tết, những cành đào đầu tiên bắt đầu bị ném ra đường. Thông thường, theo thứ tự: đào vườn cành, đào vườn cây, đào rừng… đơn giản vì đào rừng chơi được bền hơn, cho đến qua rằm.

Đào tàn
Mới mùng 7 Tết, nhiều gia đình đã vứt đào ra vỉa hè
(đường Giảng Võ) - Ảnh: Đỗ Minh

Những ngõ đầu khu dân cư thường là nơi tập kết “rác” đào. Như khu vực đầu đường Hào Nam, mới mùng 7 Tết Kỷ Sửu đã thấy cả đống đào được các công nhân vệ sinh gom về. Cành nhỏ các anh, các chị còn giắt vào cạnh xe rác được, cành lớn thì đành để trên vỉa hè đợi xe chuyên dụng đến ép lại, mang đi.

 

“Chiếc xe đẩy tay này, bình thường chúng tôi có thể gom được rất nhiều rác” - một công nhân nói - “nhưng đang quét mà gặp một cành đào cỡ trung là phải đẩy cả xe về chỗ thu gom vì cành đào cồng kềnh. Thế nhưng có khi vừa quay lại quét tiếp thì lại có cành khác xuất hiện, rất mất thời gian”.

Đào tàn
Chỉ cần 2 cành đào đã chiếm hết cả xe rác. Ảnh: Lệ Hà


Nhiều công nhân vệ sinh môi trường những ngày này phải thủ sẵn con dao rựa để đối phó với những cành đào rừng, gặp là phạt gẫy mới có thể chở đi. Nhiều trường hợp mượn dao của chính người vứt đào ra đường cũng không được.

 

Đào, quất gom về để bên cạnh điểm tập kết rác, còn bị nhiều người đến rũ tung đất cát để xem gốc còn trồng được hay không, báo hại công nhân lại phải quét lại lần thứ 2. Cứ thế, rả rích cho đến khoảng ngoài rằm tháng Giêng mới hết nạn vứt đào ra đường.

Xuất hiện những bãi rác mini

Trên nhiều tuyến đường, nhất là các tuyến đường trong khu tập thể như Nghĩa Tân, Thành Công, Mai Dịch, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Phong Sắc... rác xuất hiện khắp nơi. Những bãi rác mini tự mọc lên.

Thay vì đổ rác theo giờ nhiều gia đình quá nhiều rác không thể chờ đã mang rác ra đường để. Một người, hai người để rồi nhiều người cũng mang ra thế là thành đóng rác to mọc lên. Tại khu tập thể Nghĩa Tân, cứ đi một đoạn lại thấy vài đống rác nhỏ với vài ba túi nilong để rác cùng cành đào trơ gốc vứt lăn lốc. Còn trên tuyến đường Nguyễn Phong Sắc rác sinh hoạt thì ít nhưng rác đào, quất vứt dọc đường. Ai đi đường cũng có thể vứt bỏ cành đào hay cây quất hỏng xuống vỉa hè.

Quất héo
Rác đào, quất được vứt ngay dưới tầng 1 của Làng quốc tế
Thăng Long. Ảnh: Lệ Hà


Chỉ khổ nhân viên làm vệ sinh. Chị công nhân thu gom rác ở ngõ 98 đường Xuân Thủy cho biết, những ngày trước và sau Tết công việc rất nhiều, phải tăng thêm ca mà làm không hết việc. Nhất là sau Tết, lượng rác từ các gia đình thải ra rất nhiều, đặc biệt là rác cây cảnh, hoa. Với mỗi xe chở rác chỉ có thể thu gom được rác sinh hoạt đã đủ nặng.

Cũng theo lời chị công nhân này, nếu mỗi gia đình sau khi chơi đào, quất tự chặt cành nhỏ, bó gọn lại thì công việc của những người đi thu gom sẽ đỡ vẩt vả hơn rất nhiều. Không chỉ thu gom rác ở trong các ngõ mà trên các tuyến đường nhiều bãi rác tự nhiên mọc lên nhân viên phải thu gom thật sạch sẽ.

Đào tàn
Ngã ba chùa Hà thành bãi rác. Ảnh: Lệ Hà

Đào rác

Xe rác cao ngất ngay trên đường Nguyễn Phong Sắc đang chờ
xe đến chở đi. Ảnh: Lệ Hà

Sau một vòng đi thu gom rác tại các khu tập thể, ngõ xóm khoảng 18h30-19h từng xe rác tập trung tại ngã ba gần chùa Hà để xe ôtô chuyên dụng đến chở rác đi. Chứng kiến cảnh vận chuyển rác những ngày này mới thấy được nỗi vất vả của nhân viên vệ sinh. Từng xe rác to, cao ngất che cả bóng người được họ đẩy đi và cho lên xe.

Công việc thu gom rác sau Tết như thế này còn phải kéo dài vài ngày nữa. 

Dưới đây là một số hình ảnh đầu tiên của việc vứt đào quất ra đường vào ngày mùng 7 Tết Kỷ Sửu.

Đào tàn
"Rác" đào sau Tết - Ảnh: Đỗ Minh

Đào tàn
Lỏng chỏng trên hè đường Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: Đỗ Minh

Đào tàn
Trước cửa phòng khám sức khoẻ phố Lý Thường Kiệt. - Ảnh: Đỗ Minh

Điện hoa 24gio - Theo vietnamnet