Gần 60% đào, quất Nhật Tân đón Tết… ngoài đồng
Đào quất ngủ đồng, chủ vườn chỉ biết… khóc!
Tết Nguyên đán đã trôi qua, những chủ vườn trồng cây cảnh ở hai làng cây lớn nhất Hà Nội, làng đào Nhật Tân và làng quất Quảng Bá lại tất bật với những công việc của một mùa vụ mới. Nhưng, năm nay thì họ vất vả hơn hẳn mọi năm bởi hầu hết các chủ vườn đều phải làm thêm công đoạn mới: xử lý những cây đào, quất không bán được vào dịp Tết Nguyên đán.
Dù Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đã trôi qua, những vườn đào Nhật Tân vẫn
tưng bừng ngoài... đồng! Ảnh: Kiên Trung
Tại vườn đào hơn 400 gốc ngoài bãi sông Hồng (phường Nhật Tân – Tây Hồ), mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Biên bận rộn với việc cắt tỉa những cây đào đang tưng bừng khoe sắc. Ông Biên cho biết, Tết Kỷ Sửu vừa qua, cả vườn đào của ông chỉ bán được vài chục gốc. Hầu hết, vườn đào của ông phải “ngủ đồng”, vì ế ẩm không có khách mua.
Ông Biên phải thuê thêm hai người thợ trồng đào đến tận vườn, phụ mình công việc cắt tỉa những cành dăm để nuôi thân cây chính, chuẩn bị cho mùa đào Tết năm sau. Rất ít những gốc đào lớn của ông được khách quen thuê từ trong năm, ăn Tết xong họ đem trả lại chủ vườn. Ông cùng hai người thợ trồng lại những gốc đào được khách thuê mang trả, và cắt tỉa cành dăm, cưa bỏ những cành đào “ế hàng” không tiêu thụ được, chỉ giữ lại phần gốc chính, sau đó ghép mắt mới chuẩn bị cho mùa đào sang năm.
Những cây đào ngủ đồng, người dân Nhật Tân phải tỉa cành để giữ lại gốc.
Một số hộ lựa những cành dăm đẹp để bán cho khách đi cúng rằm nhằm
"gỡ" lại chút chi phí mua vật tư... Ảnh: Kiên Trung
“Năm nay, hầu hết các chủ đào Nhật Tân đều thất thu. Nếu tính bình quân, đào Nhật Tân năm nay chỉ tiêu thụ được chừng 40%, còn lại đều không bán được!” - ông Biên cho biết.
Giống như vườn đào của ông Biên, vườn đào của anh Nguyễn Văn Hải cũng chung số phận. Anh Hải có 180 gốc đào, chỉ bán được hơn 50 gốc, còn hơn 100 gốc phải nằm lại vườn; chủ vườn đào Tuấn – Lan có hơn 500 gốc, chỉ bán được chừng 1/3. Hầu hết, cả vườn đào Nhật Tân Tết 2009 đều phải đón xuân… ngoài đồng!
Người đàn ông chúng tôi gặp tại cửa hàng vật tư nông nghiệp ngay tại lối ra bãi đào Nhật Tân. Anh đang bận mải mua dây buộc để cho thợ tỉa đào cưa cành, ghép mắt mới. Anh cho biết: Năm nay, đa số các hộ trồng đào Nhật Tân đều “mất mùa”, vì không tiêu thụ hết đào trước Tết Nguyên đán. Rất ít khách mua đào cây, chủ yếu họ mua đào cành về cắm tết. Gia đình anh năm nay tiền bán đào chỉ bằng 1/2 năm ngoái. May mà có tiền bán hoa kéo lại, nếu không, chắc chắn cả nhà sẽ không thể cười được trong ba ngày Tết!
Đào vẫn hồn nhiên khoe sắc. Ảnh: Kiên Trung
Dù trời đã sâm sẩm, nhưng các chủ vườn vẫn bận rộn với những công việc của mình ngoài bãi sông Hồng. Tất cả mọi người đều bận rộn với việc xử lý những cây đào “ế hàng" đang tưng bừng khoe sắc: cắt bỏ cành chỉ giữ lại gốc. Ven đường dọc hai lối vào các vườn đào, những cành đào vứt bỏ chất một đống cao, khô khốc như những que củi. Những cành đẹp, nhiều nụ… được tận dụng chụm thành từng bó nhỏ, bán cho khách đi lễ chùa hoặc cúng rằm tháng Chạp.
Chị Hoa vừa cắt những cành dăm trên hàng đào đang tưng bừng khoe sắc trong vườn, vừa xót xa: “Chúng tôi cũng không nghĩ năm nay đào Nhật Tân lại ít khách như thế!”. Để tận dụng, vớt vát được đồng nào hay đồng ấy, chị Hoa tỉa cành dăm, bán cho các mối bán hàng hoa rong… để “kéo” lại tiền mua vật tư, phân đạm…
“Trước Tết, một bó dăm đào bán được 25 ngàn/bó, sau Tết, may ra được chục ngàn đồng. Kéo lại được đồng nào, hay đồng đó…" - chị nói.
Giống như đào Nhật Tân, quất Nghi Tàm, Quảng Bá năm nay cũng phải “ngủ đồng” với số lượng không hề nhỏ. Các chủ vườn quất tận dụng và vớt vát tiền đầu tư mua vật tư nông nghiệp, đạm lân, thuốc trừ sâu… bằng cách tỉa quả đem bán… cân cho các… quán phở!
Chăm quất sau Tết vì thà ế còn hơn bán giá rẻ
Khu vực Quảng An, phía đường Phủ Tây Hồ, nhiều vườn quất vẫn còn kín những cây quất đẹp trĩu trịt quả.
Vườn nhà anh Cao Văn Bốn còn hơn 80 cây quất chưa bán trên tổng số 180 gốc quất trồng từ đầu vụ. Anh Bốn cho biết, giá một cây quất giống (loại nhỏ) anh mua từ huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên về là 180.000 đồng, cả năm chăm sóc, tính ra tiền thuốc, tiền phân bón mỗi cây mất thêm khoảng 200.000 đồng nữa.
Gia đình anh Bốn phải làm công việc bất đắc dĩ: ngắt quả để giữ lại cây
giống. Ảnh: Trà My
Do khách trả giá "bèo" quá nên nhà anh Bốn vẫn còn hơn 80 gốc quất trong vườn. Gia đình anh quyết giữ lại số này để “làm vốn” cho năm sau. Sau Tết, anh Bốn cùng vợ và mẹ già hơn 60 tuổi lại bận rộn vặt bỏ những quả quất còn đang tròn căng, vàng ươm trên cây vừa bán vừa cho.
Nếu như năm ngoái, đến ngày 27 Tết, vườn quất nhà chị Phan Thị Tuyết (cụm 3, Tứ Liên) đã bán sạch trắng vườn thì năm nay trong tổng số 200 gốc chị vẫn giữ lại hơn 50 cây dáng chuẩn.
Chị Tuyết cho biết: “Giống cây mua từ huyện Văn Giang, Hưng Yên tôi mua với giá 300.000 đồng/cây. Thêm công chăm sóc, phân bón, những cây được giá từ đầu vụ bán từ 700.000 đến hơn 1.000.000 đồng. Thế nhưng cũng không ít khách đến ngắm rồi trả giá cây rẻ hơn cây giống. Hỏi thế thì làm sao mà bán được!”.
Quất quả bán với giá 500 đồng/kg bày la liệt. Ảnh: Trà My
Cách nhà chị Tuyết vài vườn, vợ chồng anh Hoàng Văn Phương (cụm 3, Tứ Liên) đang hái những quả quất cuối cùng trong vườn. Chỉ bán 100 cây quất thế trong số 300 cây trong vườn, anh Phương cho biết: “Giữ lại 2/3 chỗ quất như thế là còn ít, nhiều nhà còn để lại nhiều hơn!”.
“Loại quất to, quất thế mua giống đã 700.000-800.000/cây, giá bán đến tiền triệu nhưng khách mua không nhiều, lại trả rẻ nên đâm ra ế ẩm. Mọi năm, đến tận tối 30 gia đình mới nghỉ bán, nhưng năm nay đến giữa trưa đã chán, đành đóng cổng sớm, vì “móm” nặng!” – vợ anh Phương nói thêm.
Vì sao đào, quất… “chết”?
Trái ngược hoàn toàn với dự tính của các chủ vườn về một vụ cây tết hốt bạc, năm nay, đa số các chủ vườn đều thất thu.
Khi được hỏi về nguyên nhân của việc gần 60% số đào trong vườn đào Nhật Tân không có khách mua, ông Biên cho biết: Nguyên nhân chính là do sức mua của người dân năm nay giảm. Ảnh hưởng của đợt suy thoái kinh tế cuối năm 2008 đã khiến người dân “thắt lưng buộc bụng” cho việc chi tiêu, sắm Tết. Rất ít người dám bỏ vài triệu đồng để thuê, hay mua một cây đào Nhật Tân đẹp để về chơi mấy ngày Tết. Đa số họ chỉ mua đào cành về cắm bình, rẻ hơn nhiều so với đào cây.
Một nguyên nhân khác, đó là đào Nhật Tân, quất Quảng Bá bị cạnh tranh bởi cây cảnh tết từ các tỉnh lân cận đổ dồn về Hà Nội những ngày áp Tết. Ngay từ ngày 23 Tết, đào núi từ các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mặt tại Hà Nội. Đào, quất Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương… cũng dồn về Hà Nội, khiến thị trường cây tết Thủ đô bão hoà.
Đào bị chặt bỏ cành chất thành đống như... củi khô. Một số lượng nhỏ
được đem bày bán để khách... đáo xuân muộn! Ảnh: Kiên Trung
Tất cả các chủ buôn bán cây tết đều “tính nhầm” khi cho rằng, trận lụt vào tháng 10 nặng nề ở miền Bắc sẽ làm thị trường cây tết khan hiếm, dẫn đến tình trạng “lạm phát” đào quất ngoại tỉnh đều dồn về Hà Nội.
Người đàn ông chúng tôi gặp tại cửa hàng vật tư cho biết thêm, việc các chủ đào Nhật Tân “ra giá” cao về đào tết cũng khiến người mua không mặn mà lắm với đào. “Có lẽ, mùa tết sang năm, người trồng đào nên thực tế hơn trong việc đưa ra giá để người mua có thể tiếp cận với đào Nhật Tân. Người mua bây giờ họ dễ tính hơn, không chú trọng nhiều đến thế cây, tuổi cây, chỉ cần nhiều hoa, nhiều lộc… Hơn nữa, khó khăn của nền kinh tế cũng khiến họ phải “thắt lưng buộc bụng” trong việc chi tiêu!”.
Bà Đỗ Thị Mai Lan, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Tân cho biết: Tết Kỷ Sửu 2009, tổng giá trị thu hoạch từ đào của Nhật Tân đạt 9,2 tỷ đồng trên diện tích 23,5ha trồng đào. Năm 2008, Nhật Tân đạt 8,8 tỷ đồng trên diện tích 15,3ha. Nếu chia bình quân giá trị sản lượng theo ha, thì rõ ràng, Tết 2009 Nhật Tân đã bị thất thu nặng nề từ đào.