Thật khó có thể trả lời câu hỏi này một cách chính xác, nhưng căn cứ vào những sử liệu còn lưu giữ được thì hoa đã có mặt trong đời sống con người từ rất sớm với vai trò là thức ăn và thuốc chữa bệnh. Cổ thư Hoài nam tử đã ghi lại truyền thuyết Thần Nông ở vào thời kỳ cổ đại của Trung Quốc nếm hàng trăm cỏ cây hoa lá, phối với lục phủ ngũ tạng của người, phân biệt tính vị để trị trăm bệnh. Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân cũng đã thu thập ước chừng 100 loại hoa làm thuốc.
Dần theo sự phát triển của thời đại, việc dùng hoa làm thuốc ngày càng trở nên phổ biến và tích luỹ được một kho tàng kinh nghiệm hết sức quý báu. Danh y Hoa Đà thời Tam quốc đã sử dụng hoa để chữa bệnh theo phương cách rất độc đáo: bỏ một vài loại hoa có mùi thơm cùng với xạ hương, đàn hương, đinh hương... vào trong những túi vải xinh xắn rồi treo lên tường nhà để phòng chống các chứng bệnh như phế lao, tiết tả... Cho đến nay, một số lượng lớn các loài hoa dùng làm thuốc đã có mặt trong các dược thư hiện đại của Trung Quốc như Toàn quốc trung thảo dược hối biên (168 loại), Trung dược đại từ điển (254 loại, chiếm 5,3% tổng số các vị thuốc thực vật).
Ở nước ta, các sách thuốc của Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông đều có ghi lại khá nhiều kinh nghiệm dùng hoa làm thuốc chữa bệnh, trong đó có những loại hoa còn ít hoặc chưa được tiền nhân đề cập đến như hoa dứa dại, hoa phù dung, xích đồng nam, bạch đồng nữ, hoa khế...
Công dụng chữa bệnh của hoa như thế nào?
Hoa chữa bệnh trước hết là nhờ ở hương thơm quyến rũ. Vì sao mùi hương của hoa lại có tác dụng huyền diệu như vậy? Bởi vì hoa đã tiết ra nhiều chất thơm, ví như tinh dầu chanh, tinh dầu quế, tinh dầu hoa hồng..., trong đó có chứa alcohol, xetone, este có tác dụng sát khuẩn, điều hòa chức năng trung khu thần kinh và hạn chế tác hại của vi sinh vật gây bệnh. Người ta nhận thấy rằng, màu sắc và đặc tính chất thơm của hoa khác nhau thì công dụng cũng khác nhau. Hoa màu tím có thể làm cho phụ nữ có thai trở nên điềm tĩnh; hoa màu hồng làm bệnh nhân ăn ngon miệng hơn; hoa màu đỏ sẫm có thể làm tăng huyết áp; hoa đinh hương chứa nhiều eugenol và oleanolic acid có tác dụng giảm đau, trấn tĩnh cho những bệnh nhân đau răng; hoa quế giàu chất thơm có tác dụng hóa đờm, giảm ho, bình suyễn cho bệnh nhân viêm phế quản mạn tính; hoa hồng và hoa nhài chứa nhiều citronellol, linalool có khả năng giúp cho người bị viêm họng, viêm amydal cảm thấy dễ chịu...
Hoa chữa bệnh còn nhờ có một bộ phận cấu thành hết sức quan trọng, đó là phấn hoa. Từ xưa đến nay, tác dụng kỳ diệu của phấn hoa đã được cả thế giới công nhận. Trong thần thoại cổ Hy lạp từng có câu: "Thần tiên trên trời không ăn thức ăn như người thường, chỉ ăn phấn hoa". Hơn hai nghìn năm trước, sách Thần nông bản thảo kinh đã khuyên nên dùng phấn hoa bồ hoàng làm thuốc loại thượng phẩm để bồi bổ. Khoa học hiện đại đã chứng minh phấn hoa được cấu thành từ gần 100 hợp chất thiên nhiên, trong đó có chứa một lượng lớn protid, lipid, glucid, vitamin, các loại men, hormon và nguyên tố vi lượng có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh rất tốt. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh, đối với các chứng bệnh như suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, viêm ruột, viêm gan, viêm dạ dày, tiểu đường, thiếu máu, bệnh lý mạch máu não, di chứng rối loạn tuần hoàn não, viêm tiền liệt tuyến, hội chứng tiền mãn kinh..., phấn hoa có tác dụng điều trị hỗ trợ khá tốt.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, mỗi loại hoa đều có tính, vị khác nhau và có khả năng đi vào các đường kinh không giống nhau, tạo nên công dụng trị liệu có tính đặc thù. Cụ thể: (1) tác dụng sơ phong tán nhiệt, chuyên dùng để chữa các chứng bệnh vùng đầu mặt, ví như cúc hoa, kim ngân hoa, tân di hoa, mật mông hoa, chi tử hoa, cát căn hoa...; (2) tác dụng hóa đàm chỉ khái, chuyên chữa các bệnh đường hô hấp, ví như khoản đông hoa, dương kim hoa, đỗ quyên hoa, hoa hublông...; (3) tác dụng thanh nhiệt lý khí, chuyên dùng chữa bệnh đường tiêu hóa, ví như tuyền phúc hoa, kim ngân hoa, phù dung hoa, biển đậu hoa, thạch lựu hoa, hòe hoa...; (4) tác dụng hoạt huyết hóa ứ, chuyên trị các bệnh tim mạch, ví như kê quan hoa, hồng hoa, cúc hoa, dã cúc hoa, dương kim hoa...; (5) tác dụng hành huyết chỉ đới chuyên chữa các bệnh phụ khoa, ví như nguyệt lý hoa, linh lăng hoa, hồng hoa, kê quan hoa, biển đậu hoa...; (6) tác dụng lương huyết giải độc, chuyên trị các bệnh da liễu, ví như đào hoa, hạnh hoa, liên hoa, đinh hương hoa, dương kim hoa, kim ngân hoa...; (7) tác dụng giải uất, trấn tĩnh, chuyên dùng cho các bệnh thần kinh, ví như dương kim hoa, hoàng nguyên hoa, thiên lý hoa, liên hoa...
Khi dùng hoa chữa bệnh cần chú ý gì?
Trước hết, phải nắm chắc tính vị của chúng. Những loại hoa có tính vị đắng lạnh như chi tử hoa, hòe hoa, hoa nhài... không nên dùng cho những người tỳ vị hư nhược biểu hiện bằng các triệu chứng sợ lạnh, kém ăn, đau bụng, đại tiện lỏng nát... Thứ hai, những loại hoa có tác dụng hoạt huyết thông kinh, phá huyết khứ ứ như đào hoa, hồng hoa, nguyệt lý hoa, linh lăng hoa, nguyên hoa, phượng tiên hoa... không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh huyết ra nhiều. Thứ ba, một số loại hoa có độc như nguyên hoa, dương kim hoa, thạch lựu hoa, náo dương hoa... khi dùng phải được các thầy thuốc chuyên khoa chỉ định và theo dõi chặt chẽ. Thứ tư, đối với một số người có cơ địa dị ứng, khi dùng phấn hoa phải hết sức thận trọng. Cuối cùng, theo kinh nghiệm của cổ nhân, phải nắm được những điều cấm kị khi phối hợp dùng hoa với các vị thuốc khác để đảm bảo tính năng trị liệu của hoa và dự phòng những biến chứng không mong muốn, ví như không dùng nguyên hoa cùng với cam thảo.