Nhân giống hoa cúc bằng tách mầm giá

     


Cúc là một cây lưu niên chúng có thể sống và cho hoa trong vài năm. Sau khi thu hoạch cành mang hoa bị cắt, chất kích thích sinh trưởng trên cây sẽ tập trung vào các mầm ngủ phía dưới, kích thích những mầm ngủ này phát triển thành mầm giá. Chờ những mầm giá này ra rễ thì tách lấy những mầm to khỏe, mập mạp, sinh trưởng mạnh rồi trồng vào trong chậu hoặc những túi nilon có đục lỗ (chứa đất và phân hữu cơ mục) ương tiếp để chúng ra thêm rễ mới rồi đem trồng ra vườn, hoặc vào chậu... Sau khi trồng đưa chậu cây vào chỗ mát hoặc che bớt nắng cho cây.

Khi nào cây bén rễ thì đưa dần chậu cây ra ngoài nắng, hoặc dỡ dần giàn che nắng cho cây có đủ ánh sáng, làm như vậy cành nhánh mới mập mạp, hoa mới lớn, lâu tàn và mầu sắc rực rỡ.

Đất trồng phải được trộn thêm với phân hữu cơ đã ủ mục theo tỷ lệ 1/1 (tức cứ một phần đất mùn mặt vườn hoặc đất phù sa, hay đất tốt trộn đều với một phần phân hữu cơ đã được ủ mục), có thể cho thêm phân hữu cơ vi sinh chuyên dùng để kích thích cho rễ phát triển như Dry Roots 2... Nhớ tưới nước giữ ẩm thường xuyên để cây con sinh trưởng tốt, ra nhiều rễ.

Nhân bằng cách này cây giống có ưu điểm là sinh trưởng và phát triển mạnh, cho hoa to, đẹp và thời gian cho hoa kéo dài.

Muốn cây ra nhiều hoa thì khi chồi ra được 4-5 lá tiến hành bấm ngọn để cây ra tiếp chồi mới, khi chồi mới ra được 4-5 lá lại bấm ngọn tiếp, khi nào đạt số lượng cành cần thiết (cành nhiều sẽ có nhiều hoa) thì dừng lại. Muốn có hoa chơi vào những ngày Tết thì lần bấm cuối cùng phải cách Tết khoảng hai tháng rưỡi.

Trên cây hoa cúc thường có một số loại sâu bệnh như: rệp muội nâu, sâu xanh, sâu khoang, bệnh héo vi khuẩn, bệnh nở cổ rễ, bệnh gỉ sắt, bệnh phấn trắng..., hằng ngày trong lúc chăm sóc cần chú ý quan sát nếu thấy sâu bệnh xuất hiện thì có thể bắt bằng tay hoặc xịt thuốc trừ bệnh để bảo vệ chậu cúc luôn đẹp, khỏe mạnh.

Điện hoa 24 giờ