Xoá sổ làng hoa lài

     


Không chỉ hoa lài, mọi loại cây thay thế trồng trên dải đất này đều chết dần, chết mòn.

Cuối tháng Bảy vừa qua, trở lại làng hoa lài, chúng tôi giật mình khi vườn nhà dân cây cối trơ trụi, xác xơ. Hình ảnh vườn lài xanh mơn mởn mấy năm trước giờ đã lùi vào dĩ vãng.

Nước tưới ô nhiễm?

Ông Nguyễn Văn Đức - Tổ trưởng tổ 55, phường An Phú Đông, quận 12, thở dài: "Trước đây, ND phất lên nhờ trồng cây lài, hái bông bán cho các công ty ướp trà. Hồi đó lài bán có giá lắm, nhiều người trở thành triệu phú. Tôi cũng nhờ trồng lài mà nuôi con học lên được thạc sĩ. Giờ vườn có đất nhưng tôi chỉ trồng mấy cây rau linh tinh".

Giải thích nguyên nhân dẫn đến việc hoa lài chết dần, chết mòn, ông Đức ấp úng: "Người thì nói do nước tưới bị ô nhiễm, người thì nói do đất đây trũng lại phèn nên cây lài không sống nổi".
Theo thống kê của ông Võ Văn Tốt, 3 năm trước, quận 12 là một trong những làng trồng lài lớn ở thành phố, tập trung ở hai phường Thạnh Lộc và An Phú Đông. Từ 700ha, hiện nay, trên địa bàn quận chỉ còn lại khoảng 17ha hoa lài, và cũng đang teo héo từng ngày. Hiện một số hộ chuyển sang trồng lài trong chậu nhưng hiệu quả không cao.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, nông dân quận 12 cho biết: "Từ khi cây lài chết, trồng cây gì cũng sống lay lắt. Có 200m2 đất, tôi xuống sả hết. Sả mỗi ký chỉ có 2.000 đồng, cả vụ cũng chỉ được 400.000 đồng, không ăn thua.

Nhưng không trồng để đất hoang cỏ mọc thì phí lắm". Sống một mình, hàng tháng để có tiền sinh hoạt, chị Nga phải đi giữ em bé cho một người bà con.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Nga, chị Lê Thị Bảy kể: "Từ khi vườn lài chết, nhà có mấy trăm mét đất tôi trồng hết xoài cát Hòa Lộc. Năm nay, mưa ngập úng cộng thêm công trình đê bao thi công bịt cống, nước không thoát được nên 15 cây xoài cũng đứt bóng luôn.

Cả vườn còn có 2 cây nhưng cũng đang chết mòn". Chị Bảy nhẩm tính, trước đó, mỗi mùa xoài cho thu nhập từ 5-6 triệu đồng. Nay, xoài chết, thu nhập của cả gia đình chị chỉ còn trông cậy vào cái quán nhỏ, lèo tèo vài chai nước ngọt.

Theo ông Lương Chánh Định - Chủ tịch Hội ND xã An Phú Đông, trước đây giá lài từ 50.000-70.000 đồng/kg, vào lúc cao điểm tới 100.000 đồng. Bình quân 2ha đất cho thu nhập gần 80 triệu đồng/năm. Giờ có nhà trồng lài chỉ 2-3 tháng, chưa kịp thu hoạch hoặc chỉ mới thu hoạch được vài bông thì lài đã chết yểu, không kể mùa mưa hay mùa khô.

Bế tắc

Theo ông Võ Văn Tốt - Chủ tịch Hội ND quận 12, sau khi phát hiện tình trạng hoa lài chết hàng loạt, phía Hội đã báo cáo lên Cục Bảo vệ thực vật. “Cục đã xuống kiểm tra nhưng cũng không kết luận được nguyên nhân" - ông Tốt cho biết.

Còn theo ông Định, lài chết là do giống lài đã quá cũ, không còn phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Hơn nữa, trồng qua nhiều vụ, giống giảm chất lượng, người dân không có nguồn cung cấp giống mới. Hệ thống nước tưới chủ yếu lại lấy từ các con sông, kênh ô nhiễm như kênh Tham Lương dẫn đến lài chết hàng loạt.

Nước ngầm từ các giếng khoan cũng đang có vấn đề. Một người dân phường Thạnh Lộc bức xúc: "Giếng nước ở vùng này khoan 30m thì nhiễm phèn, khoan sâu hơn nữa thì nhiễm mặn. Chưa hết, đã lọc qua bể rồi nhưng pha trà, nước đổi màu đen thui. Không biết trong nước nhiễm chất gì".

Thực hiện chương trình Nông nghiệp Đô thị, Hội ND đã khuyến khích ND trồng hoa kiểng, bon sai thay thế, nhưng ông Tốt cho biết hiệu quả không cao. Do nguồn nước ô nhiễm, ND phải xây dựng hệ thống lọc nước tưới, chi phí tốn kém dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên. "Mặc dù nhà nước triển khai dự án xây đập ngăn nước ô nhiễm ở các khu công nghiệp vào vườn dân nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu" - ông Tốt cho biết.

Điện hoa 24 giờ