Số phận người hái sấu đặc biệt giữa Thủ đô

     

Trượt dốc và vòng lao lý

Ông Bảo '"sấu" sinh ra và lớn ở Hà Nội. Tuổi thơ của ông gắn liền với với vườn hoa Lê Trực thuộc phuờng Điện Biên, quận Ba Đình. Ông kể, ngày đó, nhà ông cũng như bao nhà khác ở Hà Nội, cuộc sống khá vất vả. Khi còn nhỏ, cũng đã có lúc ông phải ra đứng dọc đường Trần Phú bây giờ để bơm xe phụ giúp gia đình kiếm sống, mỗi lốp xe được khoảng 2 hào. Rồi ông lớn lên, cũng đi bộ đội, cũng lấy vợ sinh con như bao nhiêu chàng trai đất Hà thành khác.

Ông Bảo "sấu" ngày ngày mưu sinh trên những con đường Hà Nội.

Trước những năm 90 của thế kỷ trước, ông cũng có một gia đình, có con khôn vợ đảm. Một tổ ấm nhỏ bé, tuy không giàu sang nhưng đầm ấm, hạnh phúc. Vợ ông trước làm một nhân viên bán hàng thuộc ngành Ngoại thương, ông cũng có một chân lao động ở khu vực chợ Long Biên - Đồng Xuân, con gái, trai có cả.

Bi kịch đến khi vợ ông ngoại tình, năm 1992 ông đưa đơn ra tòa ly hôn và dành phần nuôi các con. Cảnh gà trống nuôi con, thiếu bàn tay đàn bà chăm sóc, lại thêm đàn con nheo nhóc, cuộc sống gia đình ông dần rơi vào cảnh túng bấn. Cùng quẫn ông lao vào chơi lô, đề với mong muốn trúng được một khoàn tiền kha khá để cuộc sống đơn vất vả hơn. Ông tâm sự: “Hồi ấy, tôi làm đủ thứ nghề mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Nói thật, túng quẫn quá sinh ra làm liều, xa vào tệ nạn nợ nần, mấy đứa con lại càng đói nheo nhóc”.

Cuộc sống thường có những định mệnh nghiệt ngã, năm 1994, sau 2 năm bỏ vợ, cuộc sống gia đình ông lâm vào cảnh túng quẫn cùng cực. Cay đắng hơn, đúng lúc đó chợ Đồng Xuân  nơi ông mưu sinh bị cháy. Ông kể lại: “Sự cố sảy ra, ngày 14/7/1994, một trận cháy lớn đã thiêu rụi chợ Đồng Xuân vừa được xây mới và đưa vào sử dụng chưa đầy 3 năm. Mọi người cuống cuồng cứu hàng hóa, dập lửa, tôi cũng hòa mình trong dòng người ấy. Một số kẻ xấu lợi dụng sự hỗn loạn của hiện trường để hôi của. Từ sự tín nhiệm của các chủ hàng nhờ cứu hàng, từ hoàn cảnh kinh tế gia đình nợ chồng nợ, tôi đã nổi lòng tham, không còn phân biệt đươc đúng sai, tôi đã cấu kết với một số kẻ xấu vừa cứu hàng, vừa tranh thủ hôi của… Lưới trời lồng lộng, tôi bị bắt và tòa kêu án 15 năm cải tạo giam giữ và phải bồi thường thiệt hại cho các chủ hàng 3 năm sau đó. Nhà đã túng, chủ nợ bủa vây, giờ lại phải bồi thường thiệt hại cho chủ hàng nên nhà tôi đã bị hội đồng thi hành án phát mãi. Tôi thụ án ở trại giam Thanh Chương – Nghệ An, các con theo họ hàng mỗi đứa mỗi ngả”.

Đã 60 tuổi rồi, ông chỉ biết sống dựa vào những cây sấu ven đường.

Tuổi già sống dựa vào cây sấu

15 năm thụ án ở Thanh Chương là cả một chuỗi ngày dài đằng đẵng ông ăn năn sám hối. Cái giá phải trả cho phút yếu lòng quá đắt, gia đình nhỏ của ông tan vỡ hoàn toàn, nhà bị tich biên phát mãi, các con còn nhỏ phải ở nhờ họ hàng. Vẫn nét mặt khắc khổ già hơn tuổi của mình, ông trầm tư: “Những ngày trong tù tôi lại thương các con nhiều hơn, không biết các con ở với ai, ăn uống thế nào, vì sau khi bỏ vợ cuộc sống gia đình tôi tụt dốc hẳn, bữa cơm không phải lúc nào cũng được ăn cơm trắng. Vì thương các con, tôi đã cố gắng nhiều hơn, phấn đấu nhiều hơn, cải tạo tốt hơn, để sớm được về với các con”. Những động lực đó đã giúp tôi cải tạo tốt hơn, tôi cải tạo tốt lắm, được cán bộ quản giáo sếp vào loại cải tạo tự túc và tôi đã được giảm án còn 12 năm, được mãn hạn cải tạo trước thời hạn”.

Trở về với cuộc sống đời thường, hòa nhập cộng đồng với ông cũng là một vấn đề khó khăn. Vì mặc cảm, ông không muốn tìm về với con cái, họ hàng, ông sống lang thang ở một vườn hoa gần nhà cũ, ngày bán sức lao động nuôi thân, đêm ghế đá công viên làm chỗ nghỉ… Ông tâm sự: “Từ khi đi trại về đến giờ tôi đã làm một số việc để kiếm sống, từ xin đi rửa xe đến trông coi thợ làm nhà cho một người họ hàng, giờ đang mùa sấu, tôi chuyển sang hái sấu tươi ngay tại Hà Nội này bán cho các quán cơm, hàng nước kiếm sống. Công việc này lúc chưa đi cải tạo tôi cũng đã từng làm, tôi không trèo cây mà dùng sào chọc, tuy kiếm được tiền nhưng cũng vất vả lắm”.

Khi được hỏi về con, ông xua tay nói bằng một giọng buồn buồn: “Tôi không buồn hay giận chúng. Nhưng có một điều gì đó trong thâm tâm tôi không lý giải được ngăn trở tôi tìm đến các con. Giả sử chúng tìm tôi, chưa chắc tôi đã chịu về với chúng. Tôi thích một cuộc sống tự do hơn, tôi còn sức lao động còn tự lo cho mình được. Cứ coi như đây là những tháng ngày sám hối cuối cùng của tôi. Mai kia không tự kiếm sống được nữa thì xin vào một trung tâm dưỡng lão từ thiện nào đấy sông qua ngày”.


Cuộc sống mưu sinh vất vả, bấp bênh không hứa hẹn một điều gì cho tương lai của người đàn ông này.

Theo chân ông một ngày mưu sinh. Ngày làm việc của ông bắt đầu khoảng 8h. Gia tài, cũng là đồ nghề của ông rất đơn giản: một cái sào dài vác vai, một cái khăn mặt quàng cổ và một cái tải có quai mang trên lưng, ông rong ruổi trên các con phố của Hà Nội như Trần Phú, Phan Đình Phùng,  phố Trần Hưng Đạo... để hái sấu. Gồng chắc đôi tay cầm chiếc sào dài, ông ngửa cổ chọc từng quả, chùm sấu. Cứ độ 5 phút ông lại chống sào lau mồ hôi một lần, nhưng trên mặt ông vẫn luôn nở nụ cười với tôi. Thỉnh thoảng, hạ vội chiếc sào, ông đưa tay bắt một chùm sấu rơi xa vì sợ dập bán sẽ không được giá. Không chỉ lấy sào chọc sấu, ông còn trèo chót vót trên ngọn cây sấu. Những quả sấu trượt qua tay ông, rụng lộp bộp xuống đường.

Đến trưa, ông bán chỗ sấu vừa hái cho một người đàn ông qua đường được 100.000 đồng với khoảng hơn 3 kg sấu. Ông hể hả: “Như mọi hôm tôi chỉ hái buổi sáng, bán xong thì về công viên Lê-nin la cà ở dấy cho đến tối, để dành hôm sau hái, nhưng hôm nay tôi đã nhận lời để cho một người ở đầu phố 2 kg nên giờ phải hái thêm”.

Khi được hỏi không hái người khác họ hái hết thì sao? Ông vẫn hể hả: “Bần cùng mới phải làm cái nghề hái sấu giữa Hà Nội này, họ đi hái sấu thì cuộc sống họ cũng chẳng khá giả gì, cứ coi như chúng tôi chia sẻ nguồn sống cho nhau”.

Cuộc sống của ông không cần biết đến ngày mai. Tiến bán sấu được ông dùng cho sinh hoạt trong ngày, chiều lại còn bao nhiêu ông mua số đề, nếu trúng thì được giải lao vài ngày, trượt thì sáng hôm sau lại cày. Ông bảo: “Tiền nhiều cũng ham, nhưng không có chỗ để, lại thêm bệnh ham số đề từ ngày xưa không bỏ được nên trừ tiền ăn ra, có bao nhiêu lại nướng cả vào lô đề. Biết là tệ nạn nhưng không bỏ đựơc, nên không dám làm nhiều. Giá giờ có một người nào đó gá nghĩa, tôi mong muốn điều đó, mình sẽ có một gia đình, có khi sẽ thay đổi được, vì dù sao, con chăm cha cũng không bằng bà chăm ông”. Ông lại cười hể hả. Nói rồi, ông lại tiếp tục vác cây sào đi về hướng đường Phan Đình Phùng, tiếp tục hái sấu, tiếp tục cuộc mưu sinh…

Điện hoa 24 giờ
Phước Hà - Hải Ninh