Chúng ta sống gối lên đời nhau

     

Tôi chưa bao giờ ra nước ngoài. Mọi hiểu biết của tôi về lối sống phương Tây hầu hết thông qua sách báo, phim ảnh.

Trong tình yêu và quyết định đi đến hôn nhân của các bạn trẻ Việt Nam thường có sự tác động của cha mẹ... (ảnh minh họa) - Ảnh: G.T.

Từ phim ảnh tôi thấy quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình phương Tây, nhất là quan hệ mẹ chồng con dâu hoặc con rể mẹ vợ thật đơn giản và nhẹ nhõm. Quan hệ ấy gắn bó mà độc lập, giản dị mà vẫn trang trọng...

Mỗi cây mỗi hoa - hoa ở Tây

Trong phim Proposal (Lời cầu hôn), anh chàng công tử trẻ tuổi đưa bạn gái - là sếp mình - về ra mắt gia đình. Cả gia đình chàng trai (những người giàu có ở Alaska, Mỹ) gật đầu cái rụp chào cô, không thắc mắc, không dò hỏi con ai, biết nấu nướng không, sao lớn tuổi thế... Đêm đầu tiên ra mắt nhà trai, cô gái được ngủ chung phòng với người yêu...

Vì sao? Vì họ tin vào chàng trai đã thành niên kia. Tin vào lựa chọn của anh ta, tin rằng hạnh phúc lứa đôi của anh ta là do anh ta quyết định, tin rằng đó là người anh ta sẽ chung sống chứ không phải họ sống chung.

Khi lập gia đình, hầu hết họ ở riêng. Gia đình - tế bào mới ra riêng ấy khi nào gặp sóng gió vẫn được đại gia đình quan tâm, nhưng chỉ cho lời khuyên chứ không áp đặt. Họ đề nghị chứ không yêu cầu. Họ mong muốn chứ không bắt buộc.

Con cái qua 18 tuổi, cha mẹ bắt đầu dành dụm cho tuổi già của mình bằng các loại bảo hiểm hoặc lương hưu. Sau 18 tuổi, mọi khó khăn của con cái, con cái sẽ tự khắc phục, cha mẹ tự cất bỏ gánh nặng phải suy nghĩ về con cái và gia đình riêng của con.

Vì không lo lắng nên họ cũng không đòi hỏi. Họ không đòi hỏi con cái phải phụng dưỡng, chăm sóc, nhiều tiền thì thuê điều dưỡng tận nhà, ít tiền thì vào viện dưỡng lão.

Ai cũng vậy, không ai thấy tủi thân hay hờn giận, không ai trách móc con cái bỏ bê cha mẹ. Ai có phần đời của người ấy, thế hệ trước đã vậy các thế hệ sau cũng vậy. Mỗi người có phần đời riêng và tự yêu lấy chính mình, sự tự lo liệu ấy cũng có thể coi là trách nhiệm với người thân.

Mỗi nhà mỗi cảnh - cảnh ở ta

Người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng có thói quen ấp ủ con cái rất lâu và rất kỹ. Nhưng ấp ủ không phải bao giờ cũng tốt.

Đến 18 tuổi, rất hiếm người ra sống riêng hoặc đủ khả năng kiếm tiền nuôi một phần bản thân vì hầu hết chưa có nhu cầu hoặc ý thức việc này. Họ xem chuyện cha mẹ nuôi cho hết những năm học đại học là bình thường. Một người thành niên ở Việt Nam ít khi tự quyết định việc gì.

Đầu tiên là thi đại học, làm nghề gì, thi vào trường nào, rất ít bạn trẻ có đủ thông tin cũng như bản lĩnh để chọn theo sở thích và khả năng của mình. Họ sẽ phải chọn theo niềm tin và hi vọng của cha mẹ, ông bà. Còn việc có hạnh phúc với trường lớp hay nghề nghiệp sau này của mình không thì tính sau.

Kế đó là hôn nhân. Ai từng trải qua buổi ra mắt nhà người yêu đều biết cảm giác nặng nề đó. Còn hơn cả thi đại học! Vì không có trường thi, không biết đề cũng như thang điểm. Không có quy chế thi và điểm thi cũng không công bố. Ban giám khảo thì số lượng luôn mở. Dù nam hay nữ, họ cũng bị ban giám khảo của đối tác kiểm tra về tuổi tác, nghề nghiệp, nhân thân, sở thích...

Quá trình này không ngắn gọn, nó bao gồm nhiều phần, diễn ra lâu dài cho tới khi nếu suôn sẻ thì họ cùng nhau bước vào cuộc sống hôn nhân. Trong suốt quá trình đó cha mẹ hai bên luôn sẵn sàng cho ý kiến, lời khuyên, thậm chí đề nghị và cả yêu cầu vì họ luôn tin vào kinh nghiệm sống lâu năm của mình.

Hành trình “sống gối đầu” lên đời nhau cứ thế tiếp diễn, âu biết khi nào hoặc mấy ai biết cách thoát ra?...

Điện hoa 24 giờ