Quốc hoa Việt Nam - nên là Ngũ Hoa?
Lựa chọn quốc hoa chưa phải là thông lệ thế giới phổ biến và tuyệt đối cần thiết như biểu trưng chính trị (quốc kỳ, quốc huy, quốc ca), mà là một xu hướng văn hóa. Hiện có chừng 100 quốc gia đã chọn và tuyên bố quốc hoa. Thời hội nhập, xu hướng này xem ra mạnh hơn lên. Để góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước mình, cũng là để cổ vũ giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, và chừng náo đó còn có thể có ích cho xúc tiến thương mại, cho quảng bá thương hiệu thứ hoa làm hàng hóa xuất khẩu...
Không thể chọn một loài hoa duy nhất
Nhiều quốc gia có một loài hoa lâu đời, nở đẹp khắp nơi, gắn liền với đời sống cư dân và truyền thống văn hóa đất nước, được thế giới biết tiếng và dân cả nước tôn vinh, trở thành quốc hoa gần như lẽ tự nhiên. Anh đào Nhật Bản, Sen Ấn Độ, Hoa hồng Bulgaria, Tulip Hà Lan...Nhiều nước khác cũng khá dễ dàng khi chọn một loài hoa-như Sri Lanka: Hoa súng, Lào: Champa (hoa đại), Thái Lan: Phong Lan, Malaysia: Dâm bụt, Philippines: Nhài, Cuba: Nhài bướm, Nga: Hướng dương, Pháp: Iris, Mexico: Xương rồng, Tây Ban Nha: Thạch lựu...
Việt Nam ta vừa khởi động việc chọn quốc hoa, tuy chậm nhưng cần thiết. Có điều, với bộ tiêu chuẩn đã đưa ra để lựa chọn, thì với đặc thù của thiên nhiên, lịch sử, văn hóa Việt Nam, chắc chắn không một loài hoa duy nhất nào lọt vòng chung khảo. Đơn giản là không một loài hoa duy nhất nào có mặt lâu đời, gần gũi với con người, mà lại sống trên hầu khắp mọi vùng đất nước và hoa nở quanh năm, trên một xứ sở trải dài 15 vĩ tuyến. Địa hình thì có cả miền núi-trung du-đồng bằng-ven biển. Khí hậu thì miền Bắc 4 mùa xuân, hạ thu, đông; cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên thì 2 mùa mưa, khô, nghĩa là không có tiết lạnh gần với mùa đông (ngoại trừ Đà Lạt).
Với một đặc điểm dàn trải như vậy, Việt Nam chúng ta rất khó có thể lựa chọn một loài hoa duy nhất và thật sự tiêu biểu. Mà nên lựa chọn một bộ quốc hoa gồm một số loài hoa đặc thù, mỗi loài mang hương sắc thiên nhiên và gắn với lịch sử, văn hóa một vùng trên một quốc gia thống nhất về lãnh thổ, bản sắc văn hóa, nhưng lại phong phú và đa dạng về thiên nhiên và diện mạo văn hóa vùng miền; mỗi loài nở vào một hoặc 2 mùa.
Và như thế, trong suốt 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, mùa nào cũng rạng rỡ một vài loài hoa mang hình ảnh của bộ quốc hoa đất Việt.
Trên thế giới, đã từng có quốc gia chọn bộ quốc hoa. Chẳng hạn, Vương quốc Anh là một trong nhiều nước chọn hoa hồng, nhưng là cả 3 loài tường vi, hồng leo và loài hoa hồng phổ biến.
Trung Quốc khởi xướng chọn quốc hoa từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, hy vọng có quốc hoa để quảng bá dịp Olimpic Bắc Kinh 2008 và Expo Thượng Hải 2010. Nhưng tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Vì nước này đất rộng, người đông, lại rất đa dạng về địa lý-lịch sử-truyền thống văn hóa khu vực, nên gợi ý ban đầu chọn "một quốc gia, một loài hoa"-là Mẫu đơn, làm dấy lên cuộc thảo luận kéo dài đến ngày nay, lôi cuốn cả giới hàn lâm lẫn người dân, với xu hướng chung là bộ quốc hoa, nhưng các phương án nêu ra đều chưa đạt tới đồng thuận trong đông đảo dân cư.
Đó là: "Một quốc gia, hai loài hoa": Mẫu đơn-Mận; "một quốc gia, bốn loài hoa": Mẫu đơn-Mận-Cúc-Súng. Lại có phương án 5 loài hoa, lấy Mẫu đơn làm chủ, cùng 4 loài tiêu biểu 4 mùa: Lan (xuân), Súng (hạ), Cúc (thu) Mận (đông). Tuy nhiên nhiều người khác vẫn chê là ít, muốn chọn thêm trong số tới 18 loài hoa được coi là bản địa ở nước này.
Như thế đủ thấy việc lựa chọn quốc hoa là quyền của mỗi quốc gia, với sự đồng thuận của đông đảo dân cư, dựa trên đặc thù về địa lý, truyền thống lịch sử, tâm lý, văn hóa của mình.
Mặt khác, hoa là sản phẩm, là quà tặng quí báu của thiên nhiên cho mỗi xứ sở, hoặc có từ thuở hồng hoang, hoặc còn do di thực bởi thiên nhiên và bởi con người trong giao lưu xuyên quốc gia từ rất sớm. Vậy nên, không có gì lạ khi trong bộ quốc hoa của đất nước này có một vài loài hoa giống cả họ lẫn chi loài hoa nước khác đã chọn làm quốc hoa. Song chỉ cần một loài thôi trong bộ tạo nên sự khác biệt, thì bộ quốc hoa đã là độc nhất mang tên đất nước của mình.
Ngũ hoa Việt Nam: Đào- Mai- Sen- Lan- Cúc
Đó là hoa đào xứ Bắc, nở đẹp mùa xuân- mai vàng Nam Bộ (xuân)- hoa sen trên miền Bắc và miền Trung (hạ)- hoa cúc vàng trên nhiều vùng (thu)- hoa địa lan (đông-xuân).
Hoa đào Việt Nam (tên khoa học: Prunus persica) thân thiết với người dân xứ Bắc từ rất lâu đời, đẹp nhất là đào Nhật Tân, Nghi Tàm của Thăng Long- Hà Nội. Hoa đào đỏ Việt Nam màu sắc rất đặc trưng, trở thành tên gọi của một mầu riêng biệt- mầu đào, biến âm thành điều, sau có phố Hàng Đào tràn ngập hàng tơ lụa, trong đó phổ biến và rực rỡ là lụa, gấm, vóc, đũi, the, nhiễu...mầu điều.
Hoa đào được ví như hương sắc thời thiếu nữ, rạng rỡ nhưng mong manh rất đáng được nâng niu. "Hoa đào héo nhụy anh thương. Anh mong bẻ lá, che sương cho đào." Có khi để gọi tên sức quyến rũ: Số đào hoa...Trai gái tỏ tình ý nhị: "Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?"...
Hoa đào tượng trưng cho sắc xuân đất nước. Đào nở chớm là đã cảm nhận được hơi xuân ấm. Đào bích mầu đỏ xua đi tà khí, báo điềm vui, thời vận tốt, sức khỏe và thịnh vượng...Hoa đào không thể thiếu dưới mỗi mái nhà và trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, thiếu sắc đào xem như nhà chưa có Tết.
Hoa đào Thăng Long đi vào lịch sử và làm tỏa sáng đời đời thiên tình sử đẹp nhất xứ sở, giữa Anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ sau là Hoàng đế Quang Trung, với Công chúa Ngọc Hân cành vàng lá ngọc, con vua Lê Hiển Tông, sau làm Hoàng Hậu Tây Sơn. Cành đào đỏ Thăng Long ngời sáng trong ngày đại thắng Mùng Năm Tết Kỷ Dậu (1789), khi khói lửa chiến trận giữa kinh thành chưa tan, Nguyễn Huệ sai đoàn kỵ sĩ ngày đêm mang gấp về Phú Xuân dâng Hoàng hậu Ngọc Hân báo tin thắng trận.
Nay thì giáp Tết, đào ngoài Bắc được chuyển gấp vào Nam bằng tầu hỏa, máy bay, có khi vượt đại dương, theo mong đợi của ngày càng đông dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, nhất là những người con gốc quê xứ Bắc, và cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài. Hoa đào từng được xem là một tượng trưng của tinh hoa văn hóa kinh kỳ, vậy là rất đáng là hoa chủ trong bộ quốc hoa .
Mai vàng Nam Bộ thuộc họ Ochnaceae, chi Ochna, khác mai trắng Trung Quốc. Phương Nam nước ta ở trong vùng rộng lớn nhiệt đới và cận nhiệt đới thích hợp nhất cho sinh trưởng, đơm hoa đẹp vào bậc nhất trong số 50 loài mai trên toàn thế giới. Mai vàng 5 cánh (Ochna integemima) là phổ biến, được ưa chuộng nhất, có ở khu vực rộng Trường Sơn- Quảng Nam- Khánh Hòa- ĐB sông Cửu Long.
Mai vàng là hoa Tết của phương Nam. Có lời truyền tụng lâu đời rằng những người Đàng Ngoài vào Đàng Trong khai hoang mở đất nhớ da diết sắc đào mỗi khi Tết đến, mới lấy mai vàng gợi niềm vui, sung túc, sinh sôi, nở rộ cữ sang xuân để dâng cúng gia tiên và làm sáng đẹp thêm nhà cửa. Có thể đó chỉ là truyền thuyết, nhưng phía sau là một sự thật rằng người Việt sinh sống ở đâu cũng coi những ngày Tết là thiêng liêng, cũng cần có loài hoa xứng đáng cắm trên bàn thờ và chơi Tết. Mà xuân phương Nam thì nhiều nhất, đẹp nhất mai vàng.
Nay thì giáp Tết, mai vàng Nam Bộ cũng ngược ra phía Bắc, mang mầu nắng phương Nam vào các hội hoa, chợ hoa xuân và đi vào phòng khách của nhiều gia đình, bên cạnh hoa đào, ngày Tết.
Quốc hoa nên là Ngũ hoa - Đào- Mai- Sen- Lan- Cúc
Như thế, sẽ là khiếm khuyết không tính đến vẻ đẹp thiên nhiên đa dạng và tâm lý văn hóa của cả cộng đồng trên mọi vùng đất nước khi đất nước sang xuân, nếu trong bộ quốc hoa không có "song hoa" đào thắm, mai vàng.
Hoa sen (Nelumbo nucifera Gaertn) là hoa của mùa hè xứ sở, gần gũi với dân ta từ lâu đời. Sen đỏ có mầu sắc đẹp đặc trưng (dân ta lấy tên "cánh sen" để gọi 1 mầu), hương ngát, để thờ Phật, ngắm và là một nguồn lợi. Mùa hè, từ miền Bắc đến Nam Trung Bộ, đâu có ao, hồ, đầm, thì ở đấy có hoa sen khoe sắc.
Hoa sen ở ta có nguồn gốc từ Ấn Độ, tương đồng cả tên khoa học, đặc điểm sinh thái lẫn ý niệm Phật giáo coi hoa sen tượng trưng sự thanh khiết của tinh thần, thể xác (Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn- ca dao...).
Hình tượng hoa sen nở rộ trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam gắn liền với kiến trúc Chùa thờ Phật, vào thời Lý-Trần kéo dài qua các thời sau. Ấn Độ, quê hương, nơi phát tích của hoa sen Nelumbo nucifera Gaertn (một trong vẻn vẹn 2 loài hoa sen, loài kia ở Mỹ- Nelumbo lutea), đã chọn sen làm quốc hoa, ghi vào hiến pháp. Điều đó có nghĩa là quốc hoa Ấn Độ là Nelumbo nucifera Gaertn với các mầu hoa của sen (chứ không phải chỉ là sen trắng như có ý kiến đã nêu).
Trong khi đó trang Web chính thức của Ấn Độ đăng ảnh quốc hoa là sen mầu đỏ. Giả định sen chưa được công bố là quốc hoa của quốc gia nào đi nữa, thì với nhược điểm chỉ nở vào mùa hạ, hoa sen đã chưa đủ chuẩn là thứ hoa duy nhất có thể chọn làm quốc hoa Việt Nam ta. Hoa sen của mùa hạ xứng đáng là một thành tố, kế tiếp hoa xuân đào, mai, tạo một hình ảnh ấn tượng trong bộ quốc hoa đất Việt.
Cúc vàng là của mùa thu nước ta từ rất lâu đời, chỉ tàn khi đông sương giá. Ta thường nói "mùa hoa cúc" thay cho tên gọi mùa thu. "Sen tàn cúc lại nở hoa" (Truyện Kiều). Cúc vàng rực rỡ trong thu xanh, như gương hội tụ nắng hè để nối dài hơi nắng đến tận giữa đông giá buốt.
Hoa cúc có tên khoa học Chrysanthemum sp. (họ Asteraceae), có nguồn gốc từ Trung Quốc và các nước châu Âu. Hoa cúc đã được trồng phổ biến ở Việt Nam. Từ xa xưa, chơi cúc đã là một thú chơi tao nhã của giới trí thức và nhà giàu. Hoa cúc rất gợi thi ca, nhạc họa. "Cõi đông còn thức xạ cho hương. Tạo hóa sinh thành khác lạ nhường" (Nguyễn Trãi). "Đua chen thu cúc, xuân đào" (Bích câu kỳ ngộ- khuyết danh). "Thích trồng hoa cúc để xem chơi. Cúc ngó đơn sơ lắm mặn mòi" (Hàn Mạc Tử)...
Chất lượng và chủng loại hoa cúc ở Việt Nam nay đã được cải thiện rất nhiều, với khoảng trên 70 giống hoa cúc được trồng, mang lại nguồn sống cho hàng vạn hộ dân. Các vùng trồng lớn nhất là các làng hoa ven đô, cùng Mê Linh (Hà Nội), nhiều vùng Nam Định, và Đà Lạt.
Hoa Tuylip Hà Lan
Các nhà vườn và các nhà chơi cúc ưa sưu tập đủ các nhóm cúc đại đóa (với các dạng hoa đơn, hoa chùm, hoa nhỏ, vạn thọ, pingpong, cánh mai, cánh quỳ, tiger...), cùng nhóm cúc tía, với đủ các mầu phong phú.
Với đông đảo dân ta, thì có lẽ cúc đại đoá, hoa đơn, hoa lớn (6-7cm), cánh kép với các mầu vàng, trắng, đỏ, tím đỏ, trong đó nổi bật và biểu cảm mạnh là hoa cúc vàng, được ưa chuộng hơn cả.
Cúc vàng xứng đáng là sắc hoa mùa thu trong bộ quốc hoa.
Hoa Lan (họ Orchidaceae) có ở Việt Nam muộn nhất được biết đến là vào đời
Trần Anh Tông (1276 - 1320). Lan được cảm nhận với vẻ kiêu sa, quyền quí, nên xưa giới quí tộc nhà giầu, kẻ sĩ thích chơi lan. Nay thì lan được đông người ưa chuộng, nhất là dịp Tết, ngày xuân. Từ khá lâu nay, Đà Lạt- một trong những "vườn hoa của thế giới", đã ngày càng được thế giới biết đến như một trong những "vương quốc" của lan.
Lan Đà Lạt đã trở thành một thương hiệu quen thuộc với thị trường trong nước, được ưa chuộng trên thị trường nhiều vùng thế giới, là một nguồn lợi lớn của cư dân. Đà Lạt hiện có hơn 200 loài, với đủ các nhóm phong lan, địa lan, thạch lan, cực kỳ đa dạng và hấp dẫn về tạo dáng, sắc hương. Đặc biệt nhất là trên cao nguyên mỹ lệ này gần đây phát hiện lần đầu tiên trên thế giới 5 loài mới lạ, coi là đặc hữu, được mang tên "Đà Lạt" hay "Langbian".
Đà Lạt là một vùng gần như ôn đới trong lòng xứ sở nhiệt đới gió mùa, hầu như không có rét đậm, rét hại như mùa đông miền Bắc, nên lan có thể ra hoa cữ cuối đông, để rồi nở rộ sang xuân. Công nghệ nuôi trồng mới cho phép người ta chống lạnh cho hoa, nên có thể chủ động giúp lan nở đẹp trong cả mùa đông.
Thái Lan đã chọn phong lan làm quốc hoa.
Ta nên chon địa lan làm một thành tố, một đại diện hương sắc đông- xuân của bộ quốc hoa Việt Nam.
Điện hoa 24 giờ - Thế Văn