Trí thức Hà Nội và Hoa

     

 

Hà Nội là một thành phố lớn, nó có đời sống riêng đặc biệt của mình mà ta tạm gọi là đời sống đô thị. Mỗi đường phố, con ngõ dù to hay nhỏ cũng đều đông đúc, có khi là chật chội, không hề giống xóm ngõ trong các làng quê. Mỗi người dân có nếp sinh hoạt theo kiểu thành phố, tức là tạo ra bầu không khí, tươi vui dễ chịu thoải mái để ngoài giờ làm việc đỡ căng thẳng, có một chút gì đó sảng khoái, uyển chuyển trong đời sống.

Một trong nhiều cách đó là chơi hoa. Ngoại trừ những người còn quá vất vả, vật lộn với miếng cơm manh áo hay cực nhọc suốt mười mấy giờ đồng hồ mỗi ngày như anh xe ôm, chị hàng rong, người chờ việc ở chợ lao động, bác cửu vạn… thì phần lớn người Hà Nội có đời sống dễ chịu, nên chơi hoa đã thành một nếp quen thuộc từ lâu nay.

Có lẽ quen thuộc nhất là hàng ngũ trí thức, trong đó là văn nghệ sĩ, chuyện chơi hoa đã thành phổ biến, không thể thiếu trong đời sống.

Chơi hoa trong ngày thường là niềm vui nho nhỏ, nhà thơ Chế Lan Viên có tập thơ lấy tên là “Hoa ngày thường chim báo bão” hẳn ông đã đúc rút được hình ảnh đô thị qua nhiều năm, từ ngoài đường, người hàng xóm, trong cơ quan đến bản thân ông.

Một bình hoa trên bàn trong ngày thường không phải là khó khăn đối với nhiều người tri thức. Có khi không cần một bó, mà chỉ là một hay vài bông hoa tươi mới cắt, hình như còn ẩm ướt hương đêm hoặc long lanh giọt sương sớm khi nó vừa lìa bỏ khu vườn nó được sinh thành. Mà cũng có khi không phải một bó mà chỉ là một bông thôi, bông hoa hồng đỏ thắm hoặc vàng tươi rực rỡ cắm trong cái bình pha lê trong suốt hay lọ gốm tươi rói màu men như còn ngậm kín ngọn lửa lò nung… Mười năm trước, Hà Nội thường nhiều người cắm hoa đồng tiền, còn gọi là hoa mặt trời. Đó là một hình tròn toả ra nhiều tia nắng ấm áp cho mùa đông, thân hoa mềm mại, còn nhìn rõ những chiếc lông tơ. Có một bông hoa ấy ta như gặp lại ngôi sao nhiều cánh trên mặt chiếc trống đồng lịch sử âm vang trong không gian và thời gian làm hồn ta rung động… Mấy năm gần đây, loài hoa rất Hà Nội này gần như đã biến mất khỏi thành phố, thay vào đó là loài hoa hồng đủ màu sắc, đủ giống loài được lai ghép, cấy trồng công phu cho rất nhiều căn phòng mang màu hoa tình yêu ấy đến với mọi tấm lòng, loài hoa mặt trời kép được trồng trong nhà kính, nhà lồng phát triển, hoa to, nhiều màu, thường được dùng để tạo ra những lẵng hoa trong lễ lạt nào đó.

Xưa nay hoa hồng vẫn là loài hoa quí, tượng trưng cho lời tình yêu mê đắm, cắm một lọ hoa hồng, người trí thức nào có tỏ tình với ai đâu, hay là chính họ tự tỏ tình với mình chăng để cuộc đời này thêm tươi đẹp và đầy ý nghĩa làm tăng lòng yêu, đời yêu thành phố của mình? Nước Nga thường dùng hoa cẩm chướng đỏ để tỏ tình. Với người Hà Nội, hoa hồng quen thuộc và phổ biến hơn, nên không lạ gì, chợ hoa đêm trên đường Âu Cơ gần Quảng Bá cho đến các chợ to nhỏ trong nội thành cùng các cô hàng hoa rong với chiếc xe đạp thô sơ cũ kỹ chở hoa đi khắp nẻo đường, mà hình như người ta ít thấy hoa bị ế đến ban trưa. Như vậy có bao nhiêu người đàn ông mua hoa tặng mẹ mình, tặng một nửa của mình, tặng người yêu còn thẹn thùng chưa công khai mà chỉ là nỗi e ấp đầu mày cuối mắt. Cũng như có bao nhiêu người phụ nữ sáng đi chợ, không thể quên mua chục bông hồng, hay một vài cành hoa li, một cành hoa thiên điểu, mấy bông hoa Lưu Ly về để chồng cắm trên bàn làm việc khi cái đầu kia căng thẳng bao ngày đêm với những đề án, những trang luận văn, những tờ bản thảo, những công trình phải lao tâm khổ tứ. Bông hoa là lời động viên, an ủi, sẻ chia, có khi nó còn cần hơn một lời nói hay một tách trà nóng bốc khói để tiếp sức cho người.

Có nhà thơ nghèo (nhà thơ thì có ai giầu đâu) buổi sáng, sẵn sàng từ bỏ bữa điểm tâm để lấy tiền mua mấy bông hoa tươi như lời mời cảm hứng đến, như lời gọi nàng thơ đang vi vu nơi nào đó về với mình cùng vần điệu của mùa xuân nhân thế.

Nhiều bác sĩ có thói quen trên bàn làm việc trong phòng khám bệnh phải có lọ hoa tươi, dù chỉ là một hai bông, cô y tá  phải ghi nhớ đó là nhiệm vụ đầu tiên một ngày làm việc của mình. Có một màu hoa, một chút hương hoa, không cần nhiều tranh ảnh loè loẹt hay thứ nước thơm mỹ phẩm nào. Nó là thiên nhiên, là trời đất, là hương người, là men xúc tác cho bộ não được huy động năng lượng tối đa.

Hoa ngày thường đã vậy. Mỗi năm tết đến, với người Hà Nội hoa càng không thể thiếu. May thay Hà Nội không bao giờ thiếu hoa. Một làng cổ trồng hoa Ngọc Hà tàn lụi thì đã có bao nhiêu làng hoa mới thay thế. Nào Tây Tựu, Đông Anh, Vĩnh Tuy, nào Gia Lâm, Phụng Công, nào Đà Lạt, Sapa…

Tết là dịp muôn ngàn loài hoa khoe sắc hương như hội thi người đẹp muôn trùng về hội tụ, cũng là dịp làm thoả mãn mọi thú yêu hoa của người Hà Nội, nhất là trí thức.

Một chợ hoa Hàng Lược đã không còn đủ chỗ cho người người đi dạo tìm hoa, nói như nhà thơ Lê Huy Quang là đi để “điệp khúc nhau”. Ngày nay con đường Lạc Long Quân và đường Âu Cơ dài hàng chục cây số, tết đến là biến thành chợ hoa, thành dòng sông hoa, thành con thác hoa cho người Hà Nội tìm hoa, tìm màu sắc các loài hoa...

Hà Nội có thứ hoa tết quí giá không nơi nào sánh được. Đó là hoa đào, thứ hoa nở đúng vào dịp tết bất chấp thời tiết rét buốt tái tê hay nồng ẩm gió nồm. Hầu như bất luận sang hèn, giầu có hay khó khăn, nhà ai cũng phải có một màu hoa đào chơi tết. Có thể cắm cành hoa đào ấy trong phòng khách, trên bàn thờ, ngoài tiểu sảnh chỗ bậc tam cấp để hoa đón mùa xuân ngay từ cổng, cũng có thể vì nhà chật chội, chỉ mấy cành tăm nhỏ bé, đặt nơi cái kệ hay chiếc xích đông cũng vẫn là xuân mới. Có thể thiếu một cân giò thủ, một gói mứt tết hay một thức ăn nào đó, nhưng không thể thiếu hoa tết, mà hoa đào là thống soái. Có loài Đào Bích hoa thẫm, cánh kép, thắm thiết tình xuân. Có loài hoa Đào Phai hoa mập mạp nhưng màu nhẹ nhàng phơn phớt sắc hồng, như cái duyên con gái lặn vào trong. Có loài hoa đào cánh đơn mỏng manh và màu nhạt như gió sương đã lướt qua khi hoa vừa nở. Đó là Đào Ta, loài đào ăn quả, được trồng nhiều trên miền núi phía Bắc. Đôi khi người ta mới gặp một vài cành đào Bạch, đào mà hoa trắng muốt, trắng hơn cả hoa mai. Mấy năm nay, Hà Nội đã nhiều hoa mai vàng miền Nam chuyển ra. Không như ngày mới giải phóng, nhà thơ Nguyễn Hà đi Đà Nẵng mang được về Hà Nội một cành mai mà bạn bè đến thưởng thức, tốn hết mấy lít rượu ngon khi hương hoa phảng phất trên tầng tư khu tập thể. 

Nhà văn Băng Sơn chia sẻ cách chọn đào tết.

Còn nhớ những năm đã xa, tết đến, nhà thơ Xuân Diệu thường tự mình đi chợ hoa để sắm cành hoa ngày tết. Ông ưa loài hoa trắng, đó là cành Lý mà nhiều người gọi là cành mai. Một lầm lẫn đáng yêu, vì nó là cành mận. Đạo diễn Hoàng Quân Tạo cũng ưa loài hoa trắng này, có năm ông mua được cành mận lớn, cao từ sàn lên chạm trần nhà khiến bạn bè cũng vui lây không khí tết.

Nhà thơ Trần Lê Văn có bà vợ người dân tộc Thái, không hiểu có phải vì thế, để làm đẹp lòng người đẹp hay không, mà nhiều năm, ông ưa một cành đào rừng chuyển bằng ô tô từ biên giới về Hà Nội. Tết năm 2005 năm cuối cùng của đời ông, ông có một cành đào như ý nguyện, đẹp rực rỡ, hoa mãn khai từ gốc đến ngọn. Ông thoả sức cùng bà ngắm hoa, nhưng chỉ được ngắm đến mùng ba tết thì phải đi bệnh viện, và từ đó không về nữa. Cành đào thành mồ côi, nhưng có lẽ nó cũng đã thoả mãn một phần vì người yêu hoa đã vui cùng cái đẹp mùa xuân non nước.

Thú chơi hoa ngày thường và thú chơi hoa tết đã thành nếp sống quen thuộc từ hàng thế kỷ đối với người đô thị Hà Nội. Cầu kỳ, kỹ tính, chọn hoa từ màu sắc đến hương thơm. Từ một nhánh lá để làm nền cho hoa. Có người không tìm được hoa như ý thì cắm một nhánh lá măng hay một cành cô tòng (cây đuôi lươn) cho nó thiên nhiên trong nhà cũng lấy làm ý vị. Người Hà Nội cắm hoa thì cốt cách là chính chứ không cần con số nhiều. Mùa hè, chỉ mấy bông sen trắng sen hồng đã làm tươi vui đời sống. Điển hình là bức tranh "Thiếu nữ với hoa huệ” một danh phẩm của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân vẫn còn với chúng ta. Đó là hoa loa kèn, một thức hoa họ Huệ chứ không phải hoa huệ.

Mùa xuân, đúng là muôn hồng nghìn tía, và nếu nói kỹ thì bao nhiêu con người trí thức có bấy nhiêu sở thích chơi hoa, từ hoa ngày thường đến hoa ngày tết.

Ảnh: Ngọc Thành

 dienhoa24gio.com  theo /www.toquoc.gov.vn