Ly kỳ chuyện Bà chúa sen

     

Nơi này ngày xưa bát ngát hoa sen và mỗi năm, ngày hội sen tưng bừng diễn ra khắp làng trên xóm dưới.

"Bà chúa sen" thấp thoáng từ những di vật ít ỏi

Nhờ vào số tài liệu ít ỏi còn lại trong đền Tối Linh Từ, thôn Ngọc Nữ, xã Điền Phong, Thường Tín, Hà Nội và số hoành phi câu đối từ đời Nguyễn còn lại, TS. Hán học Cung Khắc Lược khẳng định:  Nơi đây đã từng tồn tại một Lễ hội sen rực rỡ hàng năm, một bà chúa sen được tôn vinh đến Mạc Trắc Thần (vị thần không thể đo lường được) đã từng làm phi trong triều đình nhà Nguyễn.

Dù giờ đây nơi đầm sen xưa chỉ còn ngôi đền bé nhỏ và những di vật ít ỏi tồn tại được theo năm tháng, nhưng người biết Hán Nôm cũng có thể nhờ các chữ trên đền mà mường tượng được cảnh tượng đẹp đẽ khi xưa, khi bà phi Từ Ý cùng hai cung nữ về nơi này chăm chút để vùng đầm sen no ấm, khi ngày Liên hội đến và các thôn nữ quê sen đẹp đẽ ra sao!

"Những bản sắc phong thần đời vua Duy Tân và vua Thành Thái còn lại cho thấy bà là một bà phi đời Nguyễn, tên Từ Ý, được phong thần Nhàn Uyển Dục Bảo Trung Hưng. Những bản sắc phong này là tài liệu chính thống nhất, đảm bảo sự tồn tại của một vị nữ thần khi còn sống thì công lao đóng góp lớn lao, lúc qua đời phù trì cho dân làng con cháu", TS. Cung Khắc Lược chia sẻ.

Bản sắc phong thứ nhất đời vua Duy Tân, có niên đại đúng dịp đại lễ tấn quang của ngài, ngày 11/8 năm Duy Tân thứ nhất. Bản sắc phong thứ hai đời vua Thành Thái còn cho thấy địa danh Hà Nội đã được thiết lập: "Các tài liệu trong thư viện cung đình Huế hoặc thư viện của Pháp ắt hẳn sẽ ghi lại về bà", TS. Cung Khắc Lược gợi ý.

TS. Cung Khắc Lược và một bô lão đọc chữ trước cổng đền.

Những tài liệu chính thống từ cung đình giúp khẳng định tồn tại một phi tử đã từng về nơi này lập ấp, khẳng định sự tồn tại một nữ thần không chỉ được tôn vinh trong dân gian. Tuy nhiên, tài liệu còn lại trong đền mới cho thấy ở vùng quê này, bà gần gũi hơn một vị nữ thần công lao hiển hách, một Bà Chúa Đầm Sen; nhưng cũng lại lớn lao hơn chính vị thần hiển hách ấy, bà đạt đến mức Mạc Trắc Thần (vị thần không đo lường được).

"Những hoành phi câu đối trong đền ca ngợi nhiều đến công lao của người phụ nữ này, công đức dạt dào như trăng như nước, bà được người dân kính trọng gọi là Mẹ Vô Cùng (dịch theo bức hoành trong đền - Trí Khôn Nguyên). Dù nơi này giờ đây vẫn là nơi các tín đồ thờ Mẫu lui tới hành lễ, nhưng tôi cho rằng nơi này xưa kia, đạo Mẫu phát triển đẹp đẽ hơn nhiều", TS. Cung Khắc Lược cho biết.

"Chính những câu đối và hoành phi trong đền mới cho thấy được những mã văn hóa của vùng này xưa kia, ngày hội sen, đầm nước, trăng gió... tôi tin rằng nếu tìm hiểu thật sâu hơn nữa, moi móc những tài liệu còn nằm lẩn khuất đâu kia, trong các thư viện hoặc các viện, chúng ta sẽ tìm lại được một vùng khi xưa đã từng thờ phụng sen, lấy sen làm lẽ sống".

Những hoành phi câu đối cho thấy dấu tích vị nữ thần sen.

Bà Chúa bị… lãng quên

Nơi tương truyền là đầm sen bát ngát mênh mông xưa kia giờ đây chỉ còn một hồ sen bé nhỏ, nằm bên một ngôi đền giữa đồng không mông quạnh. Qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu cơ cực, người dân ở đây cũng không còn biết rõ về một Bà Chúa đầm sen mà cách đây không quá lâu, ông bà họ từng phụng thờ.

Anh Văn Vu, thủ nhang đền cho biết trước khi về làm thủ nhang ở đây, anh cũng chỉ biết rằng đền này là để phụng thờ một mẫu nhưng cũng như bao người dân ở đây, chỉ loáng thoáng hiểu về một bà chúa đầm sen thực sự.

"Những hoành phi câu đối trong đền ca ngợi nhiều đến công lao của người phụ nữ này, công đức dạt dào như trăng như nước, bà được người dân kính trọng gọi là Mẹ Vô Cùng (dịch theo bức hoành trong đền - Trí Khôn Nguyên). Dù nơi này giờ đây vẫn là nơi các tín đồ thờ Mẫu lui tới hành lễ, nhưng tôi cho rằng nơi này xưa kia, đạo Mẫu phát triển đẹp đẽ hơn nhiểu", TS. Cung Khắc Lược cho biết.
"Các bô lão trong làng, những người còn biết chút ít về chữ Hán nói với nhau rằng Mẫu xưa kia là phi trong cung cấm, sau về nơi này trồng sen và được tôn làm bà chúa đầm sen. Tuy nhiên, các bô lão cũng chỉ láng máng là thế vì họ chỉ đọc được một ít trong số các tài liệu còn lại, cũng như được thế hệ trước kể lại mà thôi", anh Vu cho biết, "Sau khi làm thủ nhang tại đây, có đêm, tôi mộng thấy bà chúa hiện về trách móc. Tôi nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc con cháu phải tìm hiểu về vị tổ tiên mình đã bị lãng quên quá lâu này".

Anh xin ý kiến các bô lão và cuối cùng, họ nhất trí mời TS. Hán học Cung Khắc Lược về đọc các tài liệu và những bản sắc phong còn lại của ngôi đền. Những âm chữ trên đền thờ cũng như trong những bản sắc phong được dân làng trân trọng cất giữ cho thấy có một bà chúa đầm sen và một vùng sen bát ngát đã chìm vào lớp bụi thời gian, một bà chúa đầm sen đã khiến đất sen phát triển rực rỡ đến mức có riêng một lễ hội sen hàng năm được tổ chức. "Những gì đọc được khiến tôi thấy ngỡ ngàng về lịch sử một vùng đậm chất sen. Nơi này xưa kia ắt hẳn tuyệt vời lắm, sắc và hương sen hẳn tràn trề", TS. Cung Khắc Lược bàng hoàng nhận xét.

Tuy nhiên, bây giờ, vùng được cho là đất sen ngày ấy chỉ còn lại vỏn vẹn một ngôi đền và mảnh sân bé nhỏ, nơi ba cây xà cừ mang dáng dấp như của ba người phụ nữ rủ bóng xuống sân đền. Phong cảnh đẹp và êm đềm đấy nhưng cũng mang vẻ cô quạnh của vùng đồng không, lối vào cỏ dại mọc đầy, hồ sen bé nhỏ với những bông sen mọc dại. Hình ảnh những thiếu nữ gánh sen, những đứa bé nghịch sen hay một hội sen rực rỡ có vẻ như đã quá phần mờ ảo. Người dân ở đây chỉ còn hi vọng khôi phục lại vẻ uy nghi của ngôi đền, nhưng những người quan tâm đến văn hóa hẳn còn tiếc nuối hơn một vùng sen thơm bát ngát, một ngày hội sen rộn rã và những thiếu nữ người lúc nào cũng ấp hương sen.

Điện hoa 24 giờ