Xã Tây Tựu (Từ Liêm) Chợ hoathành nhà trọ

     

Chợ thành "nhà trọ"

Những gian kiốt thành nhà trọ.

Chợ hoa Tây Tựu sáng 1-9 xơ xác một đống cát lớn đổ ngay cạnh cổng chính. 4/5 cổng vào chợ khóa chặt, chỉ duy nhất một cổng phụ mở. Hầu hết các gian kiốt được khóa chặt, chỉ có 4-5 gian kiốt được mở cửa. Ghé vào một gian hàng, vừa thấy chúng tôi, một bà vội xua tay: "Đây là dãy nhà trọ, có ai bán gì đâu mà mua. Nếu muốn mua bán gì, các chị phải đến đúng phiên mùng 4, 9, 14, 19... hằng tháng".

Sang kiốt bên cạnh, chúng tôi hỏi: "Ở đây có cho thuê kiốt không chị?" thấy chúng tôi vẻ ngơ ngác, chủ hộ cho biết: "Có đấy, chúng tôi cũng là người ở trọ. Nhưng chỉ có người quen mới được thuê thôi. Nếu các chị muốn, để tôi hỏi giúp... Nhìn dọc dãy "nhà trọ" không chỉ có rác, mà nước thải sinh hoạt đổ ra lênh láng; gà vịt của các hộ thả chạy khắp nơi.

Không thể biết hết 3 dãy kiốt với 52 gian của chợ hoa Tây Tựu hiện đang được Ban quản lý chợ cho bao nhiêu hộ thuê để ở, chỉ biết rằng có nhiều hộ đã thuê ở đây từ nhiều năm nay với giá thuê bình quân 250.000 đồng/ gian/tháng. Chợ hoa chỉ cách trụ sở UBND xã Tây Tựu vài trăm mét, khi hỏi lãnh đạo xã có biết các dãy kiốt trong chợ đang được cho người dân thuê để ở hay không? Chủ tịch UBND xã Tây Tựu Lê Văn Việt nói không hề có việc đó, vì xã không cho thuê, Ban quản lý chợ cũng không có thẩm quyền làm việc đó. Việc báo chí phát hiện, chúng tôi sẽ kiểm tra và trả lời sau.

Cần làm rõ trách nhiệm

Từ lâu, xã Tây Tựu được xem là thủ phủ hoa lớn của Thủ đô Hà Nội. Hiện tại, xã Tây Tựu có trên 90% số hộ trồng hoa với diện tích đất trên 150ha. Theo báo cáo của UBND xã Tây Tựu, mỗi năm xã cung cấp cho thị trường khoảng 300 triệu bông hoa, chủ yếu là hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền. Nghề trồng hoa phát triển kéo theo nhu cầu giao thương. Do vậy, UBND TP Hà Nội và huyện Từ Liêm đã đầu tư xây dựng chợ hoa Tây Tựu trên diện tích gần 9.000m2 với kinh phí 4,7 tỷ đồng. Tháng 12-2003, chợ được khánh thành và đưa vào sử dụng với 72 sạp hàng (6m2/sạp), 3 dãy kiốt với 52 gian (12m2/gian). Chợ được đặt ở vị trí rất thuận lợi, cạnh quốc lộ 70 và giữa cánh đồng hoa bạt ngàn. Tuy nhiên qua tìm hiểu được biết, từ khi khai trương chợ đến nay không có một hộ trồng hoa nào trong xã đem hoa vào đây bán. Người dân ở đây cho biết, hiện chợ họp theo phiên (5 ngày/phiên). Vào phiên, chỉ có một tiểu thương thuê kiốt làm nơi đóng hoa rồi chuyển đi các điểm khác bán, còn lại, các sạp hàng bày bán các loại hàng hóa: Thực phẩm tươi sống, quần áo, dày dép... như một chợ thông thường.

Bà Nguyễn Thị Hòa, thôn 2, xã Tây Tựu cho biết, gia đình bà trồng gần 2 sào hoa cúc. Từ khi có chợ hoa đến nay, bà chưa một lần mang hoa vào chợ bán bởi ở đây không có ai mua. Bà Hòa cũng như hầu hết hộ dân trong xã hằng ngày đều vượt 5-7km lên chợ Quảng Bá, chợ Mai Dịch để bán.

Trao đổi với PV Hànôịmới về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương thừa nhận, việc kinh doanh, buôn bán ở chợ hoa Tây Tựu chưa đạt được mục tiêu đề ra. Mục tiêu của dự án xây dựng chợ hoa Tây Tựu là làm cho nơi đây trở thành trung tâm mua bán hoa của cả vùng, nhưng do không tìm hiểu sâu nhu cầu thị trường và tình hình sản xuất địa phương nên đầu tư xây dựng chợ với số tiền lớn mà người trồng hoa vẫn không mang sản phẩm vào đây bán. Cũng theo ông Nguyễn Văn Đồng, làng hoa Tây Tựu chủ yếu trồng hoa hồng và một số loại hoa đồng tiền, hoa cúc vàng, không đa dạng các chủng loại, hơn nữa tâm lý của người dân không muốn vào chợ họp vì phải mất tiền thuê quầy... khiến chợ không thu hút được thương lái về mua hoa. Ngoài ra, năng lực quản lý của Ban quản lý chợ này quá yếu cũng là nguyên nhân khiến chợ hoa Tây Tựu hoạt động kém hiệu quả.

Trước thực trạng chợ xây tiền tỷ không phát huy hiệu quả, dư luận đang đặt câu hỏi: việc triển khai xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh liệu cơ quan chức năng đã thực sự làm hết trách nhiệm?

dien hoa 24 gio theo baomoi.com