Giá như Hoa đào đừng giả

     

1. Nội dung của bộ phim Hoa đào là câu chuyện về mảnh vườn đào duy nhất sót lại trước cơn lốc đô thị hóa. Là một nét văn hóa thu mình như một pháo đài kiên cố cố thủ trước xu thế tất yếu của xã hội phát triển.

Hoa đào “mượn” sắc hồng của hoa đào để nói về những sắc màu của cuộc sống. Sắc hồng ấy không có chỗ trong tâm hồn những con người đô thị hiện đại ham hưởng thụ cuộc sống vật chất như Thư, thiếu phụ sắc sảo có đam mê cuồng nhiệt; như Quý, cô sinh viên có khát khao cháy bỏng vươn tới trời Tây như Thanh, nhà nghiên cứu khảo cổ lãng mạn nhưng nhu nhược... Và cái kết của bộ phim là, bên những tòa nhà chung cư cao vút, hoa đào vẫn vẫy cười với gió Đông như chưa hề xảy ra cơn giông bão giằng xé nội tâm và những tấn bi kịch đau thương trong một gia đình chất phác.
 

Cảnh trong phim Hoa đào dùng hoa đào giả

Tuy nhiên, vì hoa đào trong phim đều là... hoa giả nên ngay sau giờ công chiếu, bộ phim đã nhận được không ít ý kiến phê bình từ người xem. Một người xem nhận xét: “Dễ nhận thấy, hoa đào trong phim là giả. Vì đào giả, nên trong phim có đoạn xe quệt mà hoa không rụng cái nào. Đào bọc bằng vải nên khi tuốt vải đi mà chẳng rụng”. Có người thắc mắc không hiểu vì sao một bộ phim có “lỗi kỹ thuật sơ đẳng” như vậy mà vẫn được chọn chiếu khai mạc cho tuần phim Kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

2. Một nhà báo nhận xét: “Điện ảnh phải “thật”! Hoa đào là xuyên xuốt trong bộ phim nhưng lại giả nên không lấy được cảm xúc người xem. Ý nghĩa cuối cùng là giữ hoa đào giả... thậm chí chắp vá?!”.

Quả thực, tuyến nhân vật trong phim được xây dựng cũng bị công chúng cho là không xứng đáng được công chiếu trong dịp này bởi một số nhân vật nữ như Thư (Kiều Thanh thủ vai), Quý (Lưu Đê Ly thủ vai) trong phim không đại diện được cho nét đẹp của người phụ nữ Hà Nội. Xuyên suốt bộ phim, người xem chỉ thấy Thư, Quý hư hỏng, chanh chua, đanh đá, đánh chửi chồng con và ngoại tình... Cảnh những tay phụ hồ tỉnh lẻ lên Hà Nội làm thuê, lấy vữa hắt vào mặt phụ nữ qua đường mà “đạo diễn vẫn cho cười được”.

3. Trước những ý kiến của người xem cũng như của các phóng viên, đạo diễn trẻ Nguyễn Thế Vinh (Hãng phim Truyện I), người thay thế đạo diễn Trịnh Lê Phong (Hoa đào ban đầu do Trịnh Lê Phong đạo diễn - PV) giãi bày: “Bản thân tôi cũng rất tiếc vì phim quay trái mùa hoa đào và vì là đào giả nên... khó mà được như đào thật. Sau khi đã quay xong, chúng tôi tiến hành quay bổ sung đào thật vào đúng năm vừa rồi, thế nhưng tất cả những cảnh quay hoa đào thật trong năm vừa rồi lại xấu hơn cả hoa đào giả nên chúng tôi đã không sử dụng được những cảnh quay đó, chỉ dùng được rất ít”.

Đạo diễn Nguyễn Thế Vinh còn cho biết thời gian chuẩn bị quay mất 2 tháng, quay 2 tháng và hậu kỳ 2 tháng nữa, tổng cộng là 6 tháng. Anh giãi bày: “Thời gian đào nở thực tế chỉ trong một thời gian ngắn chừng 15, 20 ngày. Trong khi đó một bộ phim truyện thì không thể nào làm như vậy được. Nếu cố gắng để lấy không khí ngày Tết, không khí hoa đào thì phải mất đến chục năm mới có thể hoàn thành bộ phim. Khi chúng tôi tham quan trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc họ cũng dùng đào giả. Cơ bản vì chúng ta là những người gần gũi với nghề chúng ta mới để ý... Tết vừa rồi chúng tôi cũng có quay cảnh thành phố với đào thật. Nhưng đi vào đặc tả từng cành đào thì từng cành rất xấu. Hơn nữa Hoa đào là bộ phim được trợ giá bình thường, không đủ kinh phí để làm”.

Tuy nhiên, khi PV hỏi tổng kinh phí được trợ giá cho Hoa đào là bao nhiêu để rồi không đủ làm công chúng hài lòng với chất lượng bộ phim, đạo diễn Nguyễn Thế Vinh không tiết lộ.

 

dien hoa 24 gio theo thethaovanhoa.vn