Làng đào ngoại ô Hà Nội trước ngày xóa sổ

     

Đây là thời điểm gần 1.000 hộ trồng đào nơi đây chuẩn bị những khâu cuối cùng để thu hoạch. Tiết trời khô ráo báo hiệu vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, trái với sắc đào hồng, bầu không khí ảm đạm xuất hiện trên khuôn mặt người nông dân đồng thời cũng là chủ nhân những ruộng đào.

Trên con đường giữa các thửa ruộng của xóm Quang Minh, một nhóm gần chục chủ vườn đào túm tụm bàn tán về việc kiểm kê gốc đào tính tiền hỗ trợ theo kiểu "tượng trưng" khi giá chỉ vài chục nghìn đồng một gốc. Chuyện được mùa hay mất giá vốn thường trực giờ đây không còn là mối quan tâm hàng đầu đối với những người nông dân này.

Làng
đào
Ông Dương Văn Chức chăm sóc những cây đào chuẩn bị cho vụ thu hoạch cuối cùng. Như nhiều nông dân khác ở Dương Nội, người đàn ông 56 tuổi này vẫn là trụ cột trong gia đình. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Kết thúc việc uốn dây thép tạo khung cho các cành đào, bà Đặng Thị Hà (xóm Quang Minh) thở dài quay sang trò chuyện với người hàng xóm chuyện đền bù đất ruộng để chuẩn bị nhường đất cho các dự án xây dựng.

Với khoảng 400 gốc, ruộng đào mang lại cho gia đình bà Hà ít nhất 50-70 triệu đồng mỗi vụ, năm nào được mùa thì hơn 100 triệu. Tuy nhiên, với 2,5 sào Bắc Bộ nhân với 97 triệu đồng đền bù cho mỗi sào, số tiền gia đình bà ước nhận được chỉ ngang vài vụ đào được giá.

"Tôi tiếc lắm, mất 5 năm gầy dựng ruộng đào, đang đến kỳ làm ăn được thì lại mất sạch. Không nghĩ thì thôi, nghĩ tới lại thấy đau lòng", bà Hà thở dài.

Theo người phụ nữ này, số tiền một vài trăm triệu đền bù mà các hộ nhận được tuy không phải là nhỏ nhưng chẳng thấm vào đâu so với lợi ích lâu dài mà cây đào mang lại. Ông Đặng Đình Thắng (cùng xóm) cho rằng, ở vùng quê này, người dân nếu mất ruộng thì coi như trắng tay. Kể cả khi được hỗ trợ học nghề thì hàng nghìn người nông dân ở độ tuổi trung niên cũng khó lòng học được nghề thích hợp, chưa nói đến chuyện xin việc.

"Những người 40-50 tuổi như chúng tôi đang là lao động chính với nghề trồng đào nhưng nếu làm việc khác thì thử hỏi nơi nào nhận? Dù được đền bù tiền tỷ mà không có việc làm thì chẳng mấy chốc cũng tiêu hết", ông Thắng nói.

Làng đào La Cả mới hình thành được khoảng 10 năm nhưng thương hiệu đang dần được khẳng định. Người nông dân ở La Cả chịu khó học hỏi nên ngày càng nắm vững kinh nghiệm trồng đào.

"Trong khi đào càng già càng đẹp, giá trị cao vậy mà sắp phải phá bỏ hết. Tôi lo những người nông dân như chúng tôi sẽ tái nghèo", ông Thắng bần thần hướng ra mảnh ruộng mà chẳng mấy chốc cũng sẽ cùng chung số phận với hai làng đào Nhật Tân, Phú Thượng từng bị xóa sổ do đô thị hóa.

Làng
đào
Nét buồn bã hiện trên khuôn mặt những người nông dân trồng đào ở La Cả. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Dương Nội cho biết, chủ trương đô thị hóa đất nông nghiệp trên địa bàn có từ trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Theo đó có tới 90% diện tích trong tổng số khoảng 400ha đất nông nghiệp của phường thuộc diện này sẽ trở thành các khu đô thị mới, khu tái định cư hay trường đại học... Toàn bộ 45 ha trồng đào mang thương hiệu La Cả thuộc diện bị "xóa sổ" khiến không chỉ người dân mà những lãnh đạo địa phương như ông Tiến không khỏi cảm thấy hụt hẫng.

"Là người ở đây, tôi rất vui khi thương hiệu đào La Cả những năm vừa rồi được mọi người đón nhận. Cảm giác hụt hẫng vì thế là tất yếu", ông Tiến chia sẻ.

Để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, các chủ đầu tư đã đồng ý chi 47 tỷ đồng đào tạo nghề miễn phí cho nông dân mất đất ở Dương Nội. Tuy nhiên, vị phó chủ tịch phương này thừa nhận việc đào tạo, chuyển đổi ngành nghề chỉ thích hợp với thanh niên chứ với người lớn tuổi thì rất nan giải. Đó là chưa kể đến khó khăn khi tìm việc làm cho hàng nghìn nhân khẩu thuộc diện này.

"Sẽ có nhiều người dân trở thành thất nghiệp, kéo theo những hệ lụy xã hội phức tạp. Đây là nhiệm vụ nặng nề cho chúng tôi trong thời gian tới", ông Tiến đánh giá.

Tết Canh Dần sẽ là vụ đào cuối cùng của hàng trăm hộ nông dân ở phường Dương Nội. Sau khi thu hoạch, người dân sẽ phải thực hiện bàn giao mặt bằng cho 5 dự án khu đô thị, trường học.

Điện hoa 24gio.com